Văn hóa đọc nước nhà thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo nền tảng tinh thần để xây dựng và phát triển đất nước. Bước vào kỷ nguyên mới, văn hóa đọc đã, đang có xung lực, động lực, bệ phóng để vươn mình mạnh mẽ.
Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết, trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng đã được ban hành, trong đó Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trong đó chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân...”, định hướng, khuyến khích và tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển.
Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp Nhân dân...”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam lại chỉ rõ: “Chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp Nhân dân đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại” để từng bước “xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của Nhân dân”, “thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”. Đây là những định hướng quan trọng tạo nền tảng trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển văn hóa đọc.
Đặc biệt, Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/11/2019 là một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhất có tác động đến sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc. Trong đó, Điều 30 của Luật Thư viện đã quy định về việc phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động: Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước; hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục, cơ sở mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông; phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện.
Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện; đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng và các thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử, sử dụng thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
Như vậy, Luật Thư viện đã cụ thể hóa và tạo hành lang pháp lý quan trọng đối với hoạt động phát triển văn hóa đọc, thông qua việc cụ thể hóa các hoạt động trong việc xây dựng môi trường đọc hướng đến hình thành thói quen và kỹ năng đọc cho các đối tượng. Đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số, vấn đề liên thông, liên kết để từ đó thiết lập một hệ thống thư viện năng động, kết nối trên nền tảng chuyển đổi số là một vấn đề cần được quan tâm.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Đề án, Chương trình để định hướng phát triển. Đó là Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệtĐề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu: xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” (phê duyệt theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021) xác định mục tiêu: tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030, mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.
Ngoài ra, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 1/11/2022 về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp là tập trung phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động, phong trào đọc chủ động, thường xuyên; xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.
Trong bối cảnh mới, thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia, trong lĩnh vực thư viện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệtChương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030với mục tiêu chung: ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí và xã hội học tập.
Cùng với các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phê duyệt danh mục các sản phẩm chủ lực và tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để nhận dạng và xác định nhiệm vụ của các ngành trong cách mạng công nghiệp 4.0; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các Đề án, Chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch/Văn hóa – Thể thao hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình nghiệp vụ thư viện,… xây dựng và phát triển tài nguyên thông tin số và kết hợp xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đổi mới hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ thư viện, triển khai chuyển đổi số phục vụ nhu cầu đọc đa dạng của người sử dụng./.