Bài 2: Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến

19/09/2024 10:23
https://nguoihanoi.vn/huong-toi-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do-bai-2-ha-noi-phat-huy-truyen-thong-lich-su-xung-danh-thu-do-anh-hung-ngan-nam-van-hien-86957.html

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.

Tiếp nối truyền thống lịch sử, xây dựng Hà Nội từ sau ngày Giải phóng

Trong 10 năm (1954-1964), ở vùng ngoại thành Hà Nội, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi phát triển sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên.

tet-ha-noi.jpg
Chơi đu ở khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp Tết 1955. (Ảnh tư liệu).

Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống Nhân dân được cải thiện. Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, Nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và không ngừng chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Phong trào “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng, phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp Nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan rộng, trở thành phong trào chung của cả nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

tet-ha-noi-3.jpg
Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20 giờ 13 đêm 18/12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vươn lên để xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Hiện nay, trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% (năm 2023), cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%).

hnoi-2.jpg
Hà Nội đã, đang vươn lên mạnh mẽ để xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến.

Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỉ đồng (đạt 332.089 tỉ đồng), trong đó thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỉ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỉ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, an sinh xã hội, đảm bảo, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.

Văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được chú trọng đầu tư và phát triển. Năm 2023 khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch trong nước tăng 19,1%. An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn. Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển. Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn ngàn năm tuổi và được biết đến là Thành phố di sản, là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Trong bối cảnh mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh...; phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội là thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và cả nước; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế./.

Quỳnh Phạm

Tin xem thêm

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn Hóa
19/12/2024 16:50

https://nguoihanoi.vn/le-hoi-den-thanh-nguyen-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-88615.html

Thời cơ để phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Văn Hóa
19/12/2024 16:47

https://nguoihanoi.vn/thoi-co-de-phat-trien-van-hoa-viet-nam-trong-ky-nguyen-moi-88720.html

Quận Hai Bà Trưng: Hứa hẹn chương trình “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”

Văn Hóa
11/12/2024 10:17

https://nguoihanoi.vn/quan-hai-ba-trung-hua-hen-chuong-trinh-luu-giu-net-xua-phat-huy-ban-sac-moi-88559.html

"Riêng một con đường" - Trưng bày cổ vật, tranh dân gian quý về tín ngưỡng thờ cúng của người Việt

Văn Hóa
11/12/2024 09:58

https://nguoihanoi.vn/rieng-mot-con-duong-trung-bay-co-vat-tranh-dan-gian-quy-ve-tin-nguong-tho-cung-cua-nguoi-viet-88534.html

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn Hóa
20/11/2024 14:40

https://nguoihanoi.vn/nghe-det-tho-cam-truyen-thong-cua-nguoi-muong-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-88152.html

Đầu tư gần 65 tỷ đồng phục hồi di tích cửa chính vào Tử Cấm Thành (Đại nội Huế)

Văn Hóa
20/11/2024 14:36

https://nguoihanoi.vn/dau-tu-gan-65-ty-dong-phuc-hoi-di-tich-cua-chinh-vao-tu-cam-thanh-dai-noi-hue-88173.html

“Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo”

Văn Hóa
15/11/2024 10:28

https://nguoihanoi.vn/di-san-kien-truc-trong-thanh-pho-sang-tao-88042.html

Trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer có quy mô lớn nhất Việt Nam

Văn Hóa
15/11/2024 10:23

https://nguoihanoi.vn/trinh-dien-nhac-ngu-am-cua-nguoi-khmer-co-quy-mo-lon-nhat-viet-nam-88068.html

Đàn Đó và những thanh âm mang hồn Việt

Văn Hóa
12/11/2024 16:32

https://nguoihanoi.vn/dan-do-va-nhung-thanh-am-mang-hon-viet-88006.html