Đàn Đó và những thanh âm mang hồn Việt

12/11/2024 16:32
https://nguoihanoi.vn/dan-do-va-nhung-thanh-am-mang-hon-viet-88006.html

Trong khi nhiều nghệ sĩ thường mô phỏng âm thanh cuộc sống trên các nhạc cụ có sẵn, Đàn Đó lại đi ngược chiều gió, tiên phong tự tạo ra những nhạc cụ để tạo ra âm thanh, nhịp điệu và kể câu chuyện văn hóa dân tộc, bản địa theo cách của riêng mình. Từ những cây đàn, chiếc trống bằng tre và đất, qua đôi bàn tay tài hoa và trái tim luôn đau đáu tình yêu với quê nhà của những người nghệ sĩ, những thanh âm độc bản vang lên, trong sáng, rung cảm đến tận cùng trái tim của người nghe. Mỗi một tác phẩm của nhóm nghệ sĩ như một lời mời gọi khán giả trở về với hơi thở đất trời Việt Nam, với những điều dung dị, mộc mạc nhất nhưng chứa đựng dạt dào sáng tạo tiếp nối từ ngàn năm.

Đi thật xa để… trở về với tre và đất

Năm 2009, 4 nghệ sĩ xiếc Nguyễn Đức Minh, Trần Kim Ngọc, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự gặp nhau trong chương trình lưu diễn xiếc “Làng tôi” qua các nước châu Âu. Trong 4 năm liên tiếp cùng làm việc (ít thì 6 tháng, nhiều thì 9 tháng), tiếp xúc với những nền nghệ thuật từ đa quốc gia, ban đầu, các thành viên thấy may mắn khi được đi, được thưởng thức những cái hay, cái lạ. Nhưng sau đó, họ lại phôi thai ý tưởng muốn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để quay trở về làm gì đó với văn hóa bản địa của Việt Nam.

nghe-si-nguyen-duc-minh-voi-nhac-cu-dan-moi.jpg
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh với nhạc cụ đàn môi

“Chúng tôi thấy văn hóa châu Âu làm mọi thứ rất chỉn chu, chi tiết nhưng lại thấy… chạnh lòng. Vì bản thân chúng tôi muốn đưa những tác phẩm, sản phẩm đến với công chúng châu Âu xa hơn, dài hơn. Chúng tôi cũng xác định rằng điểm mạnh của Việt Nam là có rất nhiều dân tộc, phong phú màu sắc văn hóa, đa dạng tài nguyên bản địa để mình khai thác”, nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn chia sẻ.

nghe-si-dinh-anh-tuan-voi-cay-dan-tinh-nhac-cu-dan-toc-tay-.jpg
Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn với cây đàn tính (nhạc cụ dân tộc Tày)

Trở về, xác định sẽ xuất phát từ những gì trong sáng nhất, đơn giản nhất, các thành viên đã lựa chọn 2 chất liệu: tre và đất. Tre là hình ảnh thân thuộc, phố biến cả 3 miền trên dải đất chữ S, thể hiện sự dẻo dai, bền bỉ và cũng rất bình dị, gần gũi với đời sống người dân. Còn với đất, người Việt vẫn gọi là “đất mẹ”, mang đến nhiều cảm xúc từ màu sắc mộc mạc cho đến hơi ấm bình yên, là nơi mỗi người con đặt chân bước đi hàng ngày. Chọn đất cũng là mong muốn được trở về với gốc rễ, cội nguồn.

Từ 4 thành viên thuở ban đầu, năm 2013 nhóm có thêm họa sĩ Nguyễn Đức Phương - người đóng vai trò ghi chép lại đời sống sáng tạo của nhóm thông qua tranh vẽ bằng chất liệu màu đất, góp phần tạo hình thẩm mỹ cho mỗi nhạc cụ mà nhóm tạo ra. Tất cả cùng chung giấc mơ sẽ phát triển những thứ đơn giản nhất thành những thứ mang chất nghệ thuật, có thẩm mỹ, ẩn chứa sự thú vị.

“Khi đã thấy rõ sứ mệnh, chúng tôi lao như một con tàu không phanh, mỗi ngày đều làm việc từ 8h sáng đến 10h đêm. Nhóm xác định sẽ làm tất cả các loại hình sân khấu, không chỉ riêng âm nhạc. Tiêu chí của chúng tôi là nhạc cụ vừa là đạo cụ vừa là nhân vật. Ví dụ đàn không chỉ để tạo ra nhạc mà còn là phương tiện để trình diễn, có thể tung, múa và kết nối với khán giả”, nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn cho biết thêm.

nghe-si-nguyen-quang-su-voi-trong-chum.jpg
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Sự với trống chum

Đàn Đó - nhạc cụ đầu tiên của nhóm được tạo nên từ hành trình rong ruổi từ Bắc chí Nam tìm kiếm nguyên liệu chế tác từ những thân tre già có hình dáng và chất liệu tương tự như chiếc Đó - nông cụ bắt cá từ dân gian, gắn liền với đời sống văn hóa là từ thuần Việt, gắn liền với đời sống văn hóa bản địa. Vì vậy, nhóm cũng lấy nhạc cụ đầu tiên - “Đàn Đó” để đặt cho mình.

Qua hơn 12 năm tiếp tục đào sâu vào nghiên cứu chất liệu, tìm sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, Đàn Đó đã cho ra đời thêm nhiều nhạc cụ khác. Hai nguyên liệu tưởng không liên quan là một chiếc chum lớn và mảnh săm xe máy được ghép thành chiếc Trống Chum có âm trầm hiếm hoi trong bộ nhạc cụ Việt. Và chiếc Trống Lãng có một không hai đã được đặt làm theo thiết kế riêng ở làng gốm trứ danh Phù Lãng, rồi lấy luôn chữ “Lãng” làm tên. Ngoài ra còn có đàn niêu, con tè, trống thanh, trống nước, trống chum, chiêng khăng, sáo thiu, sáo nước… Thanh âm từ những nhạc cụ mộc mạc này khi được kết hợp đã tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời, với đủ những cung bậc, từ trong veo, réo rắt cho đến trầm lắng, da diết hay vui nhộn…

Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn nói thêm: “Mười mấy năm rong ruổi, lấy từng mẫu đất, đứng dưới những cây tre trên khắp mọi miền mang về để thử nghiệm, nghiên cứu và sáng tạo, chúng tôi mới chế tác được 14 nhạc cụ. Mỗi nhạc cụ là một dấu mốc, một hành trình rất dài mà chúng tôi muốn kể lại một cách giản đơn với khán giả. Qua từng câu chuyện, khán giả sẽ cảm nhận được sự trong lành, nét đẹp từ chính những điều bình dị nhất. Từ đó thêm yêu, thêm trân trọng văn hóa bản địa hơn”.

Dấu mốc là con đường hiện hữu trước mắt

Show diễn đầu tiên đánh dấu lời kể chuyện của Đàn Đó với công chúng là “Lời của tre” gồm các tác phẩm xiếc, kịch, biểu diễn âm nhạc, múa… diễn ra vào năm 2014 - 2015. Sau chương trình này, nhóm đi sâu vào âm nhạc hơn, không dừng ở nhạc cụ truyền thống mà còn có những thử nghiệm và thực hành đột phá. Đàn Đó kết hợp cùng nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc xây dựng chương trình âm nhạc “Jazz bản địa” (sau đổi tên thành “Xuyên không”) - cuộc gặp gỡ thú vị của hai nền tảng ngôn ngữ âm nhạc, nhạc Jazz phương Tây và nhạc bản địa Việt Nam. Ở đó, tiếng kèn Jazz saxophone của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc bay bổng thả hồn trong không gian của những thanh âm nhạc cụ từ tre và đất.

Ngoài ra, nhóm cũng đã đưa màu sắc âm nhạc dân gian Việt vào tác phẩm, mang lại tinh thần khác biệt cho ngôn ngữ của nhạc cụ cổ điển phương Tây trong các dự án kết hợp với Beatbox, guitar bass, nhóm nghệ sĩ đương đại Limebox và gần nhất là Bryan Charles Wilson - nghệ sĩ Cello người Mỹ… Và một trong những dự án quan trọng nhất, đánh dấu sự trưởng thành của nhóm là 3 cuộc làm việc với các nghệ nhân âm nhạc các vùng miền phía Bắc, Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc… trong dự án “Seaphony” (2017). Trong những cuộc làm việc này, nhóm nghệ sĩ được ở gần nhất với bản địa, với những nghệ nhân trong lĩnh vực âm nhạc. Khi làm việc với họ, các nghệ sĩ hiểu được đời sống, hiểu được tâm tư tình cảm của đồng bào từ đó dễ dàng chuyển tải trong âm nhạc.

Sau những cuộc làm việc mang đến sự chuyển mình sâu sắc, Đàn Đó đã tạo dựng một không gian cho các hoạt động của mình tại Đàn Đó Lab (Khu nhà xưởng Hồng Hà, cuối ngõ 109 Trường Chinh, Hà Nội) để sinh hoạt. Từ không gian này, chương trình “Chuyện của Đó” được ra đời, mang những câu chuyện kể về để âm nhạc vượt ngưỡng nghệ thuật thông thường.

12 năm tham gia SEA sounds - dàn nhạc bản địa Đông Nam Á với rất nhiều dự án mang lại tiếng vang lớn nhưng nhóm Đàn Đó lại coi thành công lớn nhất là sự tự tin trước con đường nghệ thuật đang hiện hữu.

“Lúc đầu, chúng tôi bắt đầu mọi thứ với sự lựa chọn mà không có cái gì khác. Trải qua nhiều năm làm việc, sáng tạo ra những nhạc cụ đầu tiên và được đón nhận, chúng tôi cảm thấy tự tin rằng lựa chọn văn hóa dân tộc, bản địa là chính xác. Dấu mốc chính là cảm giác nhìn thấy con đường hiện hữu trước mắt. Tiếp tục sau đó, với tất cả những nhạc cụ, chúng tôi lại chuyển thành tác phẩm nghệ thuật và mọi người nhìn thấy rõ giá trị của nó - đây lại là trạm dừng nghỉ tiếp theo. Còn bây giờ, chúng tôi hoàn toàn tự tin vào con đường đó, tin rằng cứ bền bỉ, nghiêm túc bước đi, những kết quả tất yếu sẽ xảy ra” - nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn bày tỏ.

May mắn vì còn có việc để làm trong đời

Đằng sau những tác phẩm chạm sâu vào rung cảm của người nghe suốt 12 năm qua là không ít những khó khăn, thách thức của nhóm nghệ sĩ từ vấn đề tài chính cho đến sự cạn dần về nguyên liệu chế tác, giới hạn về nhân lực. Những cây đàn của nhóm được ứng dụng, tạo nên từ giống tre phải trồng 20 - 30 năm. Nhưng các vùng miền bây giờ không còn giữ được nhiều bụi tre đi theo suốt một đời người từ ấu thơ đến trưởng thành. Còn với đất nếu muốn lấy đúng màu đất, thổ nhưỡng thì nay cũng phải đi rất xa, mất rất nhiều công…
Vượt lên những giới hạn về nguồn lực, nhóm Đàn Đó vẫn luôn cho rằng “mình là người rất may mắn vì có cái để làm trong cuộc đời”. Dự định trong 10 năm tới nhóm tiếp tục theo đuổi những dự án nghệ thuật có giá trị trong nước và quốc tế, qua đó lan tỏa đến công chúng những giá trị văn hóa.

3-nghe-si-dan-do-tu-trai-qua-phai-dinh-anh-tuan-nguyen-quang-su-nguyen-duc-minh.jpg
3 nghệ sĩ Đàn Đó từ trái qua phải Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự, Nguyễn Đức Minh

“Chức năng của nghệ sĩ là sáng tạo, truyền dẫn và nối tiếp. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực vừa làm vừa ghi chép, hệ thống và chia sẻ để ngày càng có nhiều người hiểu được tâm thế, tinh thần của nhóm và hồn cốt của văn hóa dân tộc”, nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn bày tỏ.
Hiện tại, nhóm Đàn Đó đang tìm kiếm những tài năng mới cho dự án âm nhạc sắp tới. Rất nhiều bạn trẻ từ khắp nơi trên đất nước đã tìm đến với Đàn Đó Lab, hòa mình vào không gian sáng tạo đầy cảm hứng.

Doãn Hoài Nam, một bạn trẻ đã đến với Đàn Đó để học và “chơi cùng âm nhạc” chia sẻ: “Năm 2017, tôi làm việc về hệ thống ánh sáng, âm thanh cho một chương trình có nhiều nghệ sĩ tham gia, trong đó có anh Nguyễn Đức Minh của Đàn Đó… Tôi vô cùng ấn tượng và tò mò về âm thanh và hình dáng nhạc cụ của Đàn Đó. Cũng từ đấy tôi âm thầm theo dõi trang Fanpage của nhóm… Khi thấy nhóm đăng tuyển nghệ sĩ chơi trống, sáo, tôi đã đến ứng tuyển. Những chất liệu và âm nhạc của Đàn Đó đã mở ra chân trời mới để tôi có thể bước vào và khám phá”.

Với những nghệ sĩ nhóm Đàn Đó, cuộc phiêu lưu/ hành trình đi tìm kiếm những âm thanh, khát khao dùng âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn để kể những câu chuyện văn hóa dân tộc, bản địa dường như chưa bao giờ dừng lại. Với họ, thanh âm không chỉ là nhạc, mà còn là hơi thở của đất trời, tiếng vọng của núi rừng, sông suối và những ký ức văn hóa truyền thừa từ bao đời. Và mỗi lần biểu diễn là một hành trình mà họ mong muốn khán giả được hòa mình trong niềm rung cảm sâu lắng ấy./.

Linh Anh

Tin xem thêm

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn Hóa
19/12/2024 16:50

https://nguoihanoi.vn/le-hoi-den-thanh-nguyen-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-88615.html

Thời cơ để phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Văn Hóa
19/12/2024 16:47

https://nguoihanoi.vn/thoi-co-de-phat-trien-van-hoa-viet-nam-trong-ky-nguyen-moi-88720.html

Quận Hai Bà Trưng: Hứa hẹn chương trình “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”

Văn Hóa
11/12/2024 10:17

https://nguoihanoi.vn/quan-hai-ba-trung-hua-hen-chuong-trinh-luu-giu-net-xua-phat-huy-ban-sac-moi-88559.html

"Riêng một con đường" - Trưng bày cổ vật, tranh dân gian quý về tín ngưỡng thờ cúng của người Việt

Văn Hóa
11/12/2024 09:58

https://nguoihanoi.vn/rieng-mot-con-duong-trung-bay-co-vat-tranh-dan-gian-quy-ve-tin-nguong-tho-cung-cua-nguoi-viet-88534.html

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn Hóa
20/11/2024 14:40

https://nguoihanoi.vn/nghe-det-tho-cam-truyen-thong-cua-nguoi-muong-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-88152.html

Đầu tư gần 65 tỷ đồng phục hồi di tích cửa chính vào Tử Cấm Thành (Đại nội Huế)

Văn Hóa
20/11/2024 14:36

https://nguoihanoi.vn/dau-tu-gan-65-ty-dong-phuc-hoi-di-tich-cua-chinh-vao-tu-cam-thanh-dai-noi-hue-88173.html

“Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo”

Văn Hóa
15/11/2024 10:28

https://nguoihanoi.vn/di-san-kien-truc-trong-thanh-pho-sang-tao-88042.html

Trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer có quy mô lớn nhất Việt Nam

Văn Hóa
15/11/2024 10:23

https://nguoihanoi.vn/trinh-dien-nhac-ngu-am-cua-nguoi-khmer-co-quy-mo-lon-nhat-viet-nam-88068.html

Đàn Đó và những thanh âm mang hồn Việt

Văn Hóa
12/11/2024 16:32

https://nguoihanoi.vn/dan-do-va-nhung-thanh-am-mang-hon-viet-88006.html