Nhằm tái hiện chân thực cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình - một nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia và chứng kiến những biến cố, thăng trầm của dân tộc trong thế kỷ XX - từ thời thơ ấu, quá trình tham gia hoạt động cách mạng đến những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, và cả những năm tháng sau khi nghỉ hưu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản lần thứ hai cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước”.
Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927 tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Từ khi còn là học sinh, bà đã tham gia các phong trào yêu nước, hoạt động tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều lần bị bắt và tù đày.
Năm 1961, bà được cử sang làm công tác ngoại giao cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và đổi tên từ Yến Sa (bí danh được bà sử dụng từ năm 1948) sang Nguyễn Thị Bình để giữ bí mật và để quốc tế dễ đọc tên của bà hơn. Kể từ đó, bà trở thành gương mặt tiêu biểu của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, với vai trò Trưởng phái đoàn Mặt trận, sau là đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Cuộc đời bà gắn liền với những mốc son của lịch sử dân tộc: từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Điểm nhấn của cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”là những hồi ức sinh động về Hội nghị Paris – cuộc đàm phán ngoại giao kéo dài và cam go nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Là Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình đã góp phần quan trọng trong việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973 – một bước ngoặt chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho đất nước. Với 202 phiên họp chung, 24 cuộc tiếp xúc riêng và hàng nghìn cuộc phỏng vấn trong suốt gần 5 năm đàm phán, bà hiện lên trong hồi ký không chỉ như một nhà thương thuyết sắc sảo, mà còn là biểu tượng của phẩm chất Việt Nam: mềm mỏng mà kiên định, nhân hậu mà cứng rắn.
Cuốn hồi ký cũng khắc họa quá trình bà tham gia nhiều cương vị sau năm 1975: từ ngành giáo dục, đến đối ngoại nhân dân, rồi giữ trọng trách Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay cả khi đã về hưu, bà vẫn luôn “bận rộn” với những hoạt động xã hội, nhân đạo và phát triển giáo dục. Ở mỗi chặng đường, người đọc đều cảm nhận được một sợi chỉ đỏ xuyên suốt: đó là lý tưởng phục vụ đất nước, lòng yêu thương dành cho con người, và một nhân cách mẫu mực.
Tuy nhiên, hồi ký không chỉ dừng lại ở những sự kiện mang tính quốc gia mà còn mở ra nhiều góc nhìn đời thường, đời tư như những dòng viết về quê hương, tuổi thơ, gia đình, bạn bè thân thiết, những kỷ niệm riêng tư đầy cảm xúc. Chính điều này tạo nên chiều sâu nhân văn cho tác phẩm.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc – người đồng hành cùng bà Nguyễn Thị Bình trong quá trình hoàn thiện tác phẩm, qua hồi ký có thể nhận ra ở bà sự kết hợp đặc biệt giữa bình dân - tinh hoa, giản dị - sang trọng, mềm mại - kiên định; đó là một người có sức trẻ tâm hồn và trí tuệ, kết hợp sự kiên định và dám chấp nhận thay đổi, tiếp nhận cái mới. Bà là một biểu tượng sáng ngời về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ là một cuốn sách lịch sử ghi chép trung thực,“Gia đình, bạn bè và đất nước”còn là lời tự sự của một thế hệ cách mạng đã đi qua khói lửa chiến tranh, để lại những bài học sống động và thấm thía cho thế hệ hôm nay. Cuốn sách là tài liệu quý cho người trẻ, cho những ai muốn hiểu thêm về lịch sử dân tộc qua số phận của một con người.
Cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”được bà Nguyễn Thị Bình bắt đầu chấp bút từ năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009, và tiếp tục được bà bổ sung, chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014 và 2023. Mỗi trang sách đều được viết bằng ngôn từ giản dị, không cầu kỳ triết lý nhưng sâu lắng và gần gũi, thể hiện rõ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, cùng tấm lòng son sắt vì dân vì nước. Chính sự chân thực và xúc cảm ấy đã tạo nên sức nặng trong từng câu chữ.
Với hơn 98 năm tuổi đời và 79 năm tuổi Đảng, bà Nguyễn Thị Bình là một nhân chứng lịch sử đồng thời là biểu tượng sống của một thế kỷ kháng chiến và xây dựng đất nước. Thông qua "Gia đình, bạn bè và đất nước", người đọc không chỉ tiếp cận một cuốn hồi ký mà còn được đồng hành trong một hành trình sống đáng quý, một tấm gương lớn để suy ngẫm, trân trọng và noi theo./.