Hơn một thiên niên kỷ nay, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Nhất là từ sau ngày giải phóng Thủ đô, vai trò trung tâm ấy càng thể hiện rõ nét hơn. Với số lượng đông đảo, trong đó có không ít tác giả tên tuổi, văn nghệ sĩ Thủ đô đã góp phần làm nên vóc dáng, diện mạo văn học nghệ thuật (VHNT) Thủ đô.
Những bước chuyển mình ghi dấu ấn
Thời kỳ 1954 - 1966, khi Hội Văn nghệ Hà Nội chưa được thành lập, nhờ lực lượng nòng cốt của Sở Văn hóa và sự giúp đỡ của các văn nghệ sĩ ở Trung ương, một đội ngũ sáng tác thuộc nhiều lĩnh vực đã dần hình thành. Năm 1966, Chi hội Văn nghệ Hà Nội đã được thành lập với khoảng 200 hội viên trong đó 2/3 là nghiệp dư, còn lại là các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp của Trung ương và Hà Nội.
Từ đó đến nay, trải qua nhiều kỳ đại hội, từ 200 hội viên thuở ban đầu, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội (tiền thân là Chi hội Văn nghệ Hà Nội) đã có tới hơn 4000 hội viên hoạt động trong 9 hội chuyên ngành (Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian). Trong mỗi hội chuyên ngành, mọi hoạt động đều được tăng cường chú trọng, từ việc tổ chức hoạt động điền dã, sáng tác, hội thảo, tọa đàm, triển lãm, biểu diễn… đến phát triển các chi hội, câu lạc bộ.
Nhìn nhận về những thành tựu của VHNT Thủ đô trong dòng chảy VHNT Việt Nam, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định: “Các thành tựu VHNT Hà Nội cũng được trải đều, khá ấn tượng trên mọi chặng đường lịch sử và tạo ra những thành tựu nổi bật nhất là ở những giai đoạn có những bước chuyển lớn của Thủ đô (thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước 1965 - 1967, thời kỳ chiến thắng B52 Điện Biên Phủ trên không 1972, thời kỳ thống nhất đất nước và thời kỳ khởi đầu của công cuộc đổi mới từ 1986 trở đi). Mặc dù có những bước thăng trầm, song thời kỳ nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Nhiều tác phẩm thực sự trở thành những “tượng đài nhân văn” được ghi nhận và đánh giá cao, là “biên niên sử bằng thơ, ca, nhạc, họa”, “giai điệu tự hào” vang vọng mãi trong tâm hồn các thế hệ”.
“
“Các thành tựu VHNT Hà Nội cũng được trải đều, khá ấn tượng trên mọi chặng đường lịch sử và tạo ra những thành tựu nổi bật nhất là ở những giai đoạn có những bước chuyển lớn của Thủ đô (thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước 1965 - 1967, thời kỳ chiến thắng B52 Điện Biên Phủ trên không 1972, thời kỳ thống nhất đất nước và thời kỳ khởi đầu của công cuộc đổi mới từ 1986 trở đi). Mặc dù có những bước thăng trầm, song thời kỳ nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Nhiều tác phẩm thực sự trở thành những “tượng đài nhân văn” được ghi nhận và đánh giá cao, là “biên niên sử bằng thơ, ca, nhạc, họa”, “giai điệu tự hào” vang vọng mãi trong tâm hồn các thế hệ”.
NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định.
Trong lĩnh vực văn hóa dân gian, dòng chảy văn hóa tiếp tục được đắp bồi qua những nghiên cứu, sưu tầm tìm hiểu của các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Nhiều công trình nghiên cứu được ra mắt dưới dạng sách đã minh chứng cho sự phong phú, đa dạng của di sản văn hóa truyền thống của mảnh đất Kinh kỳ.
Lĩnh vực văn học, bên cạnh đội ngũ các nhà văn nhiều thế hệ gắn bó với Hà Nội, là các cây bút trẻ nhanh nhạy, không ngừng tự làm mới mình. Bằng những tác phẩm thể hiện những cung bậc đa dạng của đời sống, các nhà văn, nhà thơ tiếp tục giữ nhịp cho dòng chảy sáng tác của văn học Thủ đô.
Trong lĩnh vực điện ảnh, các nhà văn, nhà biên kịch cũng đã tích cực tham gia sáng tác với các thể loại phim tài liệu, phim truyện, hoạt hình… khai thác nhiều đề tài. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội và gần đây nhất là Liên hoan phim ngắn Hà Nội như những “làn gió mới” tạo đà cho nghệ thuật thứ bảy của Thủ đô, đồng thời góp phần quảng bá tới bạn bè quốc tế về một Hà Nội thanh lịch, văn minh, ổn định và phát triển.
Lĩnh vực kiến trúc, giới kiến trúc sư Thủ đô cũng đã nỗ lực đóng góp trong công tác kiến trúc, quy hoạch, xây dựng đô thị. Nhiều dự án, nhiều nghiên cứu không chỉ được hình thành từ niềm say mê, trăn trở mà cả ở mạnh dạn tìm tòi cái mới, gắng sức bắt nhịp với hơi thở của thời đại.
Đáng chú ý, việc sáng tác và phổ biến tác phẩm VHNT cũng đạt nhiều dấu ấn. Lĩnh vực nhiếp ảnh, các triển lãm ảnh lớn nhỏ với chủ đề đa dạng đi sâu khai thác nhiều khía cạnh trong cuộc sống (Hà Nội đổi mới và phát triển, vẻ đẹp người Hà Nội, áo dài trong đời sống văn hóa Việt, phố phường Hà Nội, làng nghề, di sản…). Lĩnh vực mỹ thuật, cùng với triển lãm chung được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, các triển lãm chuyên đề, triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm của các nghệ sĩ được tổ chức thường xuyên cho thấy sự đa dạng trong trào lưu, trường phái, xu hướng nghệ thuật đương đại cũng như sự phong phú của đề tài… Cùng với các triển lãm, các chương trình, vở diễn… cũng đã mở cánh cửa đưa nghệ thuật đến gần hơn tới công chúng.
Nhìn lại các sáng tác (văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, sân khấu, múa…) cũng như các công trình sáng tạo (điện ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian…) trong thời gian qua, có thể thấy những nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm và sự lao động nghệ thuật không mệt mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô. “Đó là thành tích trong tìm tòi, tạo dựng các hình tượng nghệ thuật tinh hoa, các thế hệ từ truyền thống đến hiện tại được cải biên của các nghệ sĩ sân khấu và múa nghệ thuật qua tổ chức biểu diễn; Là những đóng góp, phát hiện của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian theo từng lộ trình thời gian để bồi đắp di sản, củng cố giá trị văn hóa mang tính bản địa; Là những khẳng định và phản ánh đời sống, từng bước đổi mới, vượt lên trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội ở các cấp, các tổ chức xã hội và từng cá nhân trong tập thể qua tác phẩm văn học, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Nhiều ý tưởng được chắt lọc qua sáng tạo của các văn nghệ sĩ đã được thể hiện rõ trong các tác phẩm, công trình nghiên cứu, dự án triển lãm, chương trình biểu diễn nghệ thuật…”, nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhận định.
Đáng chú ý, khi Thành phố Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đã mở ra cơ hội mới, sân chơi rộng lớn để VHNT Thủ đô khẳng định vai trò, vị thế, thúc đẩy khát vọng vươn lên, tiến tới định vị thương hiệu. Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung, VHNT Thủ đô trong thời gian qua đó chính là cùng với việc xác định một chương trình công tác riêng về văn hóa, Thành ủy Hà Nội còn ban hành Nghị quyết về công nghiệp văn hóa, trong đó, chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực nghệ thuật như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiếp ảnh, triển lãm, mỹ thuật, quảng cáo.
Kỳ vọng vươn lên xứng tầm
Dù có bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng so với yêu cầu đặt ra của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, những thành tựu của nền VHNT Thủ đô đạt được chưa tương xứng, cho thấy một số những tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý Nhà nước về VHNT còn nhiều bất cập; hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Không gian phát triển VHNT chưa được quy hoạch phù hợp. Một số bộ phận văn nghệ sĩ còn có biểu hiện tiêu cực, dao động thiếu niềm tin, động lực sáng tạo và cống hiến. Đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận chưa nhiều. Đầu tư cho văn học nghệ thuật còn thấp, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô là trung tâm văn hóa lớn của cả nước…
NSND Trần Quốc Chiêm trăn trở: “Tuy số lượng tác phẩm ngày càng tăng, nhưng chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Chưa có nhiều tác phẩm mang tính cách tân, sáng tạo và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận VHNT chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán những biểu hiện sai trái, lệch lạc, thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác. Nghệ thuật truyền thống vẫn còn phải mỏi mắt chờ khán giả. Hàm lượng chất xám trong các tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới”.
Từ góc nhìn mỹ thuật, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật cũng đau đáu: “Các nghệ sĩ tạo hình chưa đầu tư nhiều vào tác phẩm, ít có khuynh hướng sáng tác mới, chưa hội nhập sâu với trào lưu hiện đại trong nước và thế giới nên chưa có tác phẩm vượt trội. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu địa điểm trưng bày tác phẩm, rồi vấn nạn vi phạm bản quyền…”
Những hạn chế tồn tại này đặt ra nhiều thách thức cho VHNT Thủ đô trong chặng đường mới, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ mới” của Thành ủy Hà Nội đã xác định rõ một số các giải pháp để đẩy mạnh phát triển VHNT Thủ đô. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong việc xây dựng và phát triển VHNT; nâng cao hiệu quả quản lý về VHNT; xây dựng, đào tạo, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ, hội viên, trí thức văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phát triển VHNT Thủ đô; tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, giao lưu trong lĩnh vực VHNT; quan tâm bồi dưỡng, định hướng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng nhất là giới trẻ...
Để VHNT Thủ đô luôn bám sát thực tiễn, góp phần xây dựng con người Hà Nội văn minh, mỗi văn nghệ sĩ Thủ đô cần phải tích cực hòa mình vào cuộc sống, nhân rộng biểu dương người tốt việc tốt, phê phán những mặt trái, sự vô cảm, vô trách nhiệm… Từ văn học, âm nhạc, sân khấu đến nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh, văn hóa dân gian… tất cả đều có thể tôn vinh, gìn giữ và lan tỏa giá trị của văn hóa Thủ đô
Nhìn lại chặng đường 70 năm đã qua có thể thấy rõ những bước chuyển mình của VHNT Thủ đô. Hy vọng từ bước đệm vững chắc này VHNT Thủ đô tiếp tục gặt hái được những thành công mới, góp phần tích cực vào sự phát triển của Thành phố Hà Nội./.