Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục cho phép Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc giai đoạn 2.
Tháp đôi Liễu Cốc nằm ở TDP Xuân Tháp (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, TP Huế) là một công trình kiến trúc đặc trưng của người Chăm pa ước khoảng 1.000 năm tuổi có giá trị nhiều về khoa học, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng... Di tích gồm hai ngôi tháp được xây dựng gần nhau (cách nhau khoảng 2,8m) trên hai trục song song theo hướng Đông - Tây, lối vào tháp ở phía Đông. Tên gọi “Tháp đôi Liễu Cốc” được lấy từ tên địa danh làng Liễu Cốc và quy mô hai tháp để đặt tên di tích, năm 1994 Tháp đôi Liễu Cốc được Bộ VHTTDL ký quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 921/QĐ/BT ngày 20/7/1994.
Khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc năm 2024.
Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định số 1064/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thăm dò, khai quật khảo cổ tiếp tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc (giai đoạn 2) với diện tích là 66m² gồm diện tích thăm dò 6m² (gồm 2 hố x 3m2/1 hố) và diện tích khai quật 60m² (gồm 2 hố, hố 1: 50m² và hố 2: 10 m²) từ ngày 25/4 - 20/6.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử TP Huế, Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ, báo cáo khoa học gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước đó, vào ngày 2/4/2024 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 898/QĐBVHTTDL cho phép Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (nay TP Huế) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc với diện tích 80m² và ngày 24/4/2024 Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã động thổ tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc.
Sau thăm dò, khai quật khảo cổ đã thu được một khối lượng di vật gồm 4.807 tiêu bản, tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Đáng chú ý có đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm (niên đại thế kỷ XI – XII) và 1 đồng tiền tròn, lỗ tiền vuông, một mặt đúc nổi 4 chữ Nguyên Phong thông bảo, viết theo lối Hành thảo (niên đại thế kỷ XIII).
Tháp đôi Liễu Cốc khi chưa tiến hành Khai quật khảo cổ.Thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc năm 2024 thu được một khối lượng di vật.
Ngoài ra, khối lượng lớn đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, như gốm thô, đồ đất nung, riêng đồ sành với 437 mảnh, trong đó có 3 chiếc bình vôi của Champa (thế kỷ IX – XI) còn tương đối nguyên vẹn…